Cơn sốt U23 Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhiều ngày sôi nổi, đó cũng là minh chứng rõ nét nhất cho tình yêu bóng đá của người Việt, thứ tình cảm mà dù đã nhiều lần khiến cổ động viên buồn lòng, thậm chí rơi nước mắt tiếc nuối hoặc tức giận, nhưng cuối cùng thì người Việt vẫn không bỏ được bóng đá, vẫn luôn dõi theo các cầu thủ dù ở bất kỳ đâu.
Rất nhiều cá nhân hay cả những công ty, doanh nghiệp lớn của nhiều ngành nghề đã tận dụng rất tốt khoảng thời gian này để quảng bá “ăn theo” thành công của đội U23. Đây là điều hết sức bình thường. Và những người yêu bóng đá nội, có lẽ cũng rất mong rằng những người làm bóng đá ở trong nước cũng có thể “ăn theo” thành công ấy để giúp V-League, hạng Nhất và các giải đấu khác có một bước tiến mới.
Chỉ mới ở mùa giải trước, V-League vẫn còn những câu chuyện buồn, những vấn đề về trọng tài, bóng đá bạo lực, sự không chuyên nghiệp của tất cả các thành phần tham gia hay những tin tức đồn đoán bên lề,... đã gây ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý thưởng thức bóng đá của số đông người hâm mộ. Con số trung bình 5.619 khán giả đến xem một trận đấu ở V-League 2017 là quá thấp với một quốc gia yêu bóng đá như Việt Nam.
Tuy nhiên, sau thành công của U23 Việt Nam, hy vọng rằng “gió sẽ đổi chiều”. Hàng chục ngàn khán giả đến lấp kín 40.000 chỗ ngồi và gần như toàn bộ mặt sân của sân Mỹ Đình chỉ để xem trận chung kết U23 châu Á qua màn hình lớn, là hình ảnh đủ để những người làm bóng đá tự tin, rằng nếu họ thực sự cố gắng thì hình ảnh những khán đài trống vắng sẽ không còn hiện diện ở V-League.
Người hâm mộ đã thực sự bùng nổ, các cầu thủ đã trở thành những ngôi sao, những thần tượng đủ sức kéo khán giả đến sân để nhìn thấy họ bằng xương bằng thịt. Đây chính là cơ hội không gì tốt hơn để bóng đá Việt Nam trở mình.
Khán giả chính là nguồn sống của bóng đá chuyên nghiệp, ở bất kỳ đâu cũng như vậy. Chúng ta không thể hô hào tiến lên chuyên nghiệp, hay vươn xa tới đâu, nếu ngay trên chính sân nhà cũng không có ai tới cổ vũ. Nhưng vào lúc này, khi khán giả chắc chắn sẽ chịu tới sân để xem V-League 2018, thì bài toán “giữ” khán giả phải được đặt ra và cần được giải quyết một cách hoàn hảo nhất có thể.
Sẽ là “thảm họa” nếu ngay ở những vòng đấu đầu tiên, nạn bạo lực lại tái diễn, những tình huống tiểu xảo phản cảm, hay “bỏ bóng đá người” một khi xảy ra sẽ là dấu chấm hết cho mọi nỗ lực, bởi khán giả sẽ không thể nào thông cảm và tha thứ được nữa.
Bên cạnh đó là vấn đề trọng tài cũng như tính chuyên nghiệp của các đội bóng cũng đong đầy âu lo. Một quyết định thiếu chính xác, một sự phối hợp không chuẩn giữa các trọng tài có thể bị đẩy đi rất xa chứ không còn là một sai sót đơn thuần, còn các CLB nếu không bỏ được tình trạng đổ lỗi cho các bên liên quan, hoặc cảm thấy thua thiệt thì đòi bỏ trận, bỏ giải, thì cũng sẽ chẳng khán giả nào mặn mà nữa, vì họ đã quá ngán ngẩm rồi.
Nói tóm lại, những chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam không chỉ đơn thuần là làm nức lòng người hâm mộ, nó còn tác động đến nhiều mặt nữa của đời sống bóng đá. V-League cũng như các giải đấu khác không thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng này, nhưng có nắm bắt được cơ hội để đi lên hay không, thì còn tùy vào mỗi một thành phần làm nên giải đấu.
Từ BTC, đến các CLB và cuối cùng là các cầu thủ, có bắt được “làn sóng” này để trỗi dậy, hay là lại phô bày những hạn chế, những điểm thiếu chuyên nghiệp để rồi bị sóng đánh chìm, tất cả sẽ được trả lời trong thời gian tới. Nhưng có lẽ với cái “đà” quá thuận lợi như thế này, nếu V-League không bật lên được, không chiếm được tình cảm của người hâm mộ, thì quả là tiếc nuối.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam