Mourinho, Albiol, bóng đá Việt & những định kiến

18:45 Thứ năm 26/06/2014

Có những câu chuyện liên quan đến bóng đá Việt gần đây khiến nhiều người “đắng lòng”, dù nó trực tiếp bắt nguồn từ sự kiện lớn như World Cup, hay phát ngôn của “người đặc biệt” như Mourinho.

Sự kiện thứ nhất: một vị khách mời đọc lá thư bức xúc của độc giả ngay trên sóng truyền hình trực tiếp. Khả năng vị khách mời ấy trở lại trường quay có lẽ cũng ngang với khả năng Cristiano Ronaldo và Bồ Đào Nha vô địch World Cup.

Sự kiện thứ hai: Raul Albiol nhắc đến Việt Nam trước trận đấu chót mang tính thủ tục giữa Tây Ban Nha và Australia. Anh bảo trận đấu World Cup chứ không phải giao hữu ở Việt Nam nên phải đá nghiêm túc. Đấy là một trong số rất nhiều lần Việt Nam xuất hiện trong sự đề cập của bạn bè quốc tế, tất nhiên là theo những cách không tốt đẹp chút nào.

Có điểm gì chung giữa 2 sự kiện vừa nêu? Câu trả lời: cách ứng xử phản hồi của bên bị chỉ trích. Để đáp lại vị khách mời kia, nhà đài quyết định dựng cả một màn... tấu hài để phản bác. Họ biến vài chục phút trực tiếp trở thành diễn đàn để “phản ứng” ngược lại nhà chuyên môn từng sát cánh với họ. Sự việc ấy diễn ra trước toàn thể quần chúng, những người mà lẽ ra được phục vụ lại phải trở thành khán giả bất đắc dĩ của một “màn trã đũa”.

Ở sự kiện thứ 2, Albiol đã bị đáp trả bằng một màn “ném đá” tập thể. Rất nhiều bạn trẻ đã chỉ trích trung vệ của đội tuyển Tây Ban Nha lẫn chính đội tuyển Tây Ban Nha của anh. Họ xoáy vào nỗi đau bị loại ngay từ vòng bảng của nhà ĐKVĐ. Họ khẳng định sẽ không bao giờ chào đón anh đến nước mình. Cách hành xử giãy nãy này không hề cầu thị mà cũng mang nặng tính trả đũa như ví dụ ở trên.

Mourinho cũng từng lên tiếng chế giễu bóng đá Việt Nam

Mà những gì Albiol, Jose Mourinho hay báo chí Tây Ban Nha nhắc về Việt Nam có không? Chúng ta có chơi kung-fu ngay trên sân cỏ không, chúng ta có “đi đêm” lẫn nhau khiến các trận đấu “có mùi” không? Chúng ta có những tỷ số điên rồ khiến ai nhìn vô cũng thấy bất thường không? Chúng ta có một nền bóng đá đủ mạnh để khiến bạn bè nhìn nhận, hay chỉ suốt ngày quẩn quanh ao làng? Chúng ta có xây dựng bóng đá căn cơ, không hay cũng chỉ ăn xổi, thay HLV không định hướng?

Ở đây, những lời ví von của Mourinho, Albiol tất nhiên không dễ nghe, nhưng chúng ta đã chọn cách hồi đáp lại một cách “không giống ai”. Dân ta đã "nổi tiếng" về cách ứng xử đến mức bây giờ bạn bè quốc tế nghe đã thấy hãi, một số nước thiếu điều muốn không cho nhập cảnh. Làm thủ tục không biết xếp hàng, ăn buffet thừa mứa, ăn trộm vặt trong siêu thị... Nhưng thay vì cầu thị, cố gắng làm thay đổi hình ảnh, chúng ta lại chỉ biết giãy nãy lên phản ứng lại một cách tiêu cực.

Trong bản danh sách những đóng góp cho nhân loại vừa công bố, Việt Nam đứng áp chót. Đấy cũng là vị trí của Việt Nam trong BXH những quốc gia "tử tế" mà tờ The Economist vừa công bố. Đấy là một nỗi buồn, thậm chí là hổ thẹn khi đứng bên cạnh bạn bè thế giới. Vậy thì việc câu chuyện bóng đá Việt Nam trở thành một tấm gương xấu, bị mang ra làm ví dụ cũng không quá khó giải thích. Cách tốt nhất là làm thay đổi định kiến ấy, thay vì phản ứng lại tiêu cực.

Võ Minh Trị | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục