Chelsea đoạt chức vô địch nhờ tài năng của Mourinho cùng tập thể đồng đều, gắn kết cả ba tuyến của The Blues. Và quan trọng những tân binh như Diego Costa, Matic, Fabregas và thủ môn Courtois là mắc xích quan trọng, nền tảng giúp CLB thi đấu xuất sắc trong sơ đồ chiến thuật phòng ngự phản công.
Ngay cả tuyển Brazil của Carlos Dunga cũng thi đấu khá thành công với lối đá phòng thủ vững chắc, thực dụng với phương châm; "Nếu không thắng được thì đừng để bị... thua"; trùng với tư tưởng chiến thuật phòng thủ phản công hiệu quả như Mourinho. Tại La Liga, Atletico Madrid của HLV Diego Simeone thắng được Real cũng nhờ đó
Nghệ thuật phòng ngự phản công đã lên ngôi trong mùa bóng năm nay. Và nghệ thuật phòng thủ phản công chớp nhoáng, đẹp mắt và hiệu quả trong bóng đá, đã được võ sĩ nổi tiếng hạng bán trung "Độc cô cầu bại" Mayweather áp dụng triệt để, đầy toan tính và khôn ngoan trong trận thắng điểm võ sĩ Pacquiao đến từ Philippines cách đây một tuần.
Và trong trận giao hữu gặp U-23 Hàn Quốc hôm qua, HLV Toshiya Miura của U-23 Việt Nam đã áp dụng công thức phòng ngự phản công một cách triệt để và thu được kết quả hoà. Đã nhiều lần chiến lược gia người Nhật Bản đem tư tưởng phòng thủ chắc, phản công nhanh áp dụng trong lối đá của tuyển VN trong hai cấp độ Quốc gia và U-23.
Trận hòa không bàn thắng trước U-23 Hàn Quốc vừa qua đã chứng tỏ HLV Miura không chỉ sắc sảo trong chiến thuật, mà ở cả tuyển lựa cầu thủ vào hai đội tuyển. Bóng đá Hàn Quốc nổi tiếng đá thiên về sức mạnh thể lực. Vì vậy nếu không có những nhân tố lợi thế về thể hình, thể lực thì khó phòng thủ trước các cầu thủ cao to của Hàn Quốc.
Chọn Hàn Quốc để thi đấu giao hữu, tập huấn là điều sáng suốt để ông Miura rà soát lại đội hình nơi hàng phòng ngự, củng cố vị trí còn khiếm khuyết để dễ dàng triển khai sơ đồ chiến thuật phù hợp với tố chất, kỹ chiến thuật của các cầu thủ VN trước hai trận đánh lớn là SEA Games và vòng loại World Cup tới đây.
Người Hàn đã không thể "chọc thủng lưới VN" dù được đánh giá cao hơn. Quan trọng là các cầu thủ VN đã biết phòng thủ vững chắc với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ đầy tự tin. "Cái gót chân Asin" của VN đang được vị HLV tài ba người Nhật Bản nhìn ra và dần khắc phục nó. Khi tuyến dưới không để thua thì tuyến trên còn cơ hội để... chiến thắng.
Bài học chúng ta thường thua trước người Thái ở các giải đấu lớn như SEA Games, AFF là do phòng ngự kém tập trung, thiếu vững chắc và bọc lót cho nhau chặt chẽ, đeo bám thiếu quyết liệt cũng như cản phá bóng kém uy lực, mạnh mẽ,... Tất cả do vấn đề yếu thể lực, kém thể hình so với đối thủ.
Lúc này, Việt Nam không có "cậu bé Vàng" Văn Quyến, người từng ghi bàn vào lưới của Hàn Quốc thuở nào. Nhưng hàng phòng ngự cho thấy bộ mặt mới trong cản phá bóng hiệu quả "mang tư tưởng của Mourinho" trong các pha bóng phòng ngự phản công sắc sảo. Đó mới là điều đáng mừng, dù chưa ghi được bàn thắng.
(Bạn đọc: Hoàng Thảo)
|
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam