U19 Việt Nam thành công hay thất bại ở Hassanal Bolkiah Trophy?

08:52 Thứ hai 25/08/2014

Nếu chỉ lấy tiêu chí “đá hay, đá đẹp, đá cống hiến” để đánh giá rằng tuyển U.19 VN đã chơi thành công ở giải Hassanal Bolkiah Trophy không thật thỏa đáng. Về thành tích, việc thua U.19 Myanmar tại trận chung kết không hẳn là thất bại. Vậy phải nhìn nhận màn trình diễn của tuyển U.19 VN tại Brunei thế nào?

Căn cứ để đối chiếu là giải Tứ Hùng U.19 Nutifood TPHCM diễn ra vào cuối tháng 1.2014 và giải Hassanal Bolkiah Trophy. Trong quãng thời gian 7 tháng vừa qua, tuyển U.19 VN đã có chuyến tập huấn dài hạn tại Anh-Bỉ và Nhật Bản.

Các cầu thủ U.19 VN ăn mừng bàn thắng trong trận hòa U.21 Brunei 2-2

Mặt tích cực

1. Điểm đáng ghi nhận của tuyển U.19 VN là lối chơi và phong cách của các học trò HLV Guillaume Greachen đã già dặn, tinh khôn hơn khá nhiều. Vẫn còn nhiều nét “non” song nhìn chung U.19 VN đã cho thấy bản lĩnh cứng cáp hơn, điển hình nhất là qua trận thắng 1-0 trước U.19 Thái Lan ở bán kết.

Trong trận đấu này, tuyển U.19 VN biết điều chỉnh nhịp độ trận đấu nhanh-mạnh (hiệp 1) sang chậm-chắc (hiệp 2) và giữ được cái đầu tỉnh táo để từ đó làm chủ hoàn toàn trước các cầu thủ U.19 Thái Lan. Tại giải Tứ Hùng Nutifood, tuyển U.19 VN khi đó chỉ biết đá ào ào theo kiểu “lấy thân mình lấp lỗ châu mai” nên dẫn đến việc kiệt sức sau trận đầu ra quân với AS Roma, nên ở trận tiếp theo hết hơi nên bị U.19 Nhật Bản hạ đến 7-0.

Các học trò của thầy “Giôm” đã biết vượt qua sức ép ở thời điểm khó khăn như trận cuối cùng ở vòng bảng trước U.21 Campuchia. Ngay cả trong trận chung kết khi bị U.19 Myanmar gác trước 3-2 song các cầu thủ VN vẫn không nao núng để san hòa 3-3.

Dù vậy không cần ca ngợi điều này quá nhiều, bởi một đội bóng được đầu tư thi đấu, tập trung dài hạn ở nước ngoài với khoảng 17 trận đấu mà không già dặn hơn hóa ra U.19 VN đi thụt lùi.

2. Lối đá biến hóa hơn. Điểm sáng thứ hai của tuyển U.19 VN là lối đá đa dạng, nhuyễn hơn với nhiều kiểu đánh biên, phối hợp đá phạt lẫn đột phá cá nhân. Ở giải Tứ Hùng TP.HCM thì lối chơi của U.19 VN hầu như chỉ đập nhả phối hợp và đột phá trung lộ nên chiến thuật khá đơn điệu, dễ bắt bài.

Ở giải Hassanal Bolkiah Trophy, tuyển U.19 VN khá hiệu quả với đòn đánh từ 2 biên nhờ sự cơ động của cặp hậu vệ biên Hồng Duy (trái) – Văn Sơn (phải) và các tiền vệ hay tiền đạo đá dạt biên như Văn Long, Quang Hải. Nhiều bàn thắng của U.19 VN đến từ biên hơn là ở trung lộ. Bên cạnh đó, khả năng phản công nhanh của U.19 VN ngày càng sắc sảo hơn.

Hồ Tuấn Tài (17) là phát hiện lớn nhất của tuyển U.19 VN tại giải

3. Nhân tố mới nổi bật. Ở đây chính là tiền đạo Hồ Tuấn Tài (SLNA) và Quang Hải (Hà Nội T&T) lần đầu được bổ sung lên tuyển U.19 VN nhưng ngay lập tức chiếm suất chính trong sơ đồ của thầy “Giôm”. Hồ Tuấn Tài (5 bàn) có bản năng của tay săn bàn bẩm sinh để bổ sung cho khuyết điểm đáng lo ngại của hàng công U.19 VN là khả năng dứt điểm rất kém ở Cúp Tứ Hùng.

Hồ Tuấn Tài đã đẩy tiền đạo Nguyễn Văn Toàn (Học viện HAGL JMG) lên ghế dự bị đủ cho thấy đây là tiền đạo rất tiềm năng. Trong khi đó, Quang Hải dù không ghi bàn nhiều nhưng nhanh nhẹn, đá thông minh, kỹ thuật để chia lửa với Công Phượng để làm nguồn tiếp đạn cho Tuấn Tài đá mũi nhọn.

Điểm hạn chế

1. Thể lực đáng thất vọng. So với cách đây 7 tháng nền tảng thể lực, sức bền lẫn sức mạnh của tuyển U.19 VN vẫn không được cải thiện là bao. So với các đối thủ chính ở giải như U.21 Malaysia, U.19 Thái Lan, U.19 Myanmar thì U.19 VN tỏ ra kém hơn về độ bền bỉ, sức mạnh khi tranh chấp, va đập.

Ở trận chung kết, U.19 Myanmar khỏe hơn U.19 VN rất nhiều nên họ gây được sức ép liên hồi để ghi liền các bàn thắng ở thời điểm quan trọng.

Thể lực được coi là yếu tố then chốt của bóng đá hiện đại nhưng với hạn chế về thể lực, thể hình sẽ khiến tuyển U.19 VN (hay cả Học viện HAGL JMG) khó tiến xa hơn tầm khu vực ĐNÁ.

Hàng thủ của tuyển U.19 VN mong manh đến nỗi có cảm giác họ có thể thủng lưới bất cứ lúc nào.

2. Hàng thủ quá lỏng. Khả năng ghi bàn được cải thiện thì điểm yếu ở khâu phòng thủ của tuyển U.19 VN còn y nguyên. Trong cả thảy 7 trận đấu tại giải thì chỉ có 2 trận (thắng U.21 Singapore 4-0 và U.19 Thái Lan 1-0) thì cả 5 trận còn lại tuyển U.19 VN đều bị thủng lưới.

Trận chung kết, hàng thủ U.19 VN cực kỳ dễ xuyên thủng, từ chuyện thủ môn mắc sai lầm sơ đẳng cho đến việc các trung vệ và hậu vệ biên bọc lót, kèm người quá lỏng lẻo. HLV Guillaume Greachen đã tung vào sân nhiều trung vệ Đông Triều, Tiến Dũng, Lục Xuân Hưng cho đến Ksor Úc song chẳng có ai đáng tin cậy.

Có lẽ quan điểm tập trung đào tạo ra cầu thủ chuyên đá tấn công của Học viện HAGL JMG đã khiến tuyển U.19 VN không có được trung vệ giỏi, trong khi trung vệ các “lò” khác chuyên môn bình thường, không tương xứng với chất lượng với cầu thủ ở tuyến trên.

3. HLV Guillaume Greache vẫn còn “non”. Nhận định này có thể gây tranh luận với các fan Học viện HAGL JMG nhưng thầy “Giôm” rõ ràng mang đậm nét của HLV dạy cầu thủ trẻ chứ không phải của một HLV chỉ đạo chiến thuật già rơ ở khu kỹ thuật.

Việc thử nghiệm đội hình như xáo tung cả đội với 7 sự thay đổi lên khiến U.19 VN thua U.21 Malaysia 0-2 cho thấy thầy “Giôm” chưa tiên liệu được những khả năng có thể xảy ra cũng như không đánh giá đúng đối thủ. Công lao của HLV Guillaume Greachen cần ghi nhận nhưng ông cũng cần phải học hỏi nhiều nếu muốn sự nghiệp cầm quân tiến xa hơn.

Điều cuối cùng ở qua giải Hassanal Bolkiah Trophy là chúng ta hãy dừng quan điểm “thử nghiệm, học hỏi và cọ xát” để biện hộ cho những mặt hạn chế của tuyển U.19 VN. Cứ lặp lại chuyện này thì há các đội U.19 Thái Lan, U.19 Indonesia, U.19 Myanmar chỉ biết chạy đua thành tích, không thử nghiệm, cọ xát ở giải đấu trẻ như Hassanal Bolkiah Trophy?!.
Đăng Khoa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục