EURO 2012, còn 3 ngày: Một kỳ EURO... ma ám!?

18:55 Thứ ba 05/06/2012

Từ đội lớn đến đội nhỏ, từ ứng viên vô địch tới kẻ lót đường, từ chuyên môn tới tổ chức, chưa bao giờ, một kỳ EURO lại bắt đầu trong nhiều dấu hỏi lớn như EURO 2012 này.


Chỉ còn hơn 2 ngày nữa, trái bóng Tango 12 sẽ chính thức lăn, mở ra những ngày EURO 2012 sôi động trên đất Ba Lan/Ukraine. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, cảm giác phấn khích trước khi bước vào một kỳ cuộc lớn dường như vẫn chưa xuất hiện.

Theo ghi nhận của các phóng viên Báo Bóng đá đang tác nghiệp ở Ba Lan và Ukraine, ngay tại các "điểm nóng", bầu không khí vẫn khá... nguội. Phần vì người dân hai nước đăng cai không thực sự "máu me" với giải đấu mà theo họ là quá tốn kém, trong bối cảnh đời sống kinh tế khó khăn. Phần vì các công trình chuẩn bị cho giải đấu tới giờ vẫn chưa được hoàn thiện, và nhìn đâu đâu cũng thấy những cảnh gạch vữa ngổn ngang đến... phát ngán. Phần vì CĐV các đội bóng không dám sang sớm do lo ngại trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc và kỳ thị người nước ngoài; "máu me" như CĐV Anh còn chọn cách ở nhà xem qua TV nữa là... Và cuối cùng, bản thân các đội bóng dự giải cũng đang bị cuốn vào quá nhiều những vấn đề của riêng mình, tới mức không còn tâm trí đâu mà... rạo rực.

Có thể nói, từ trước chưa tới nay, chưa có kỳ EURO nào diễn ra trong bối cảnh các đội bóng mạnh, những ứng viên hàng đầu, có nhiều vấn đề phải lo lắng như EURO 2012 này. Nhân sự là vấn đề gây nhức nhối nhất. Có thể do hậu quả của lịch thi đấu vắt sức, cũng có thể là do... đen đủi, chỉ biết rằng, hầu như không có đội bóng lớn nào có thể mang tới Ba Lan và Ukraine lực lượng mạnh nhất có thể. Việc ngay cả đương kim vô địch Tây Ban Nha, vốn được đánh giá là dồi dào về mặt con người nhất châu Âu, thậm chí là thế giới, cũng đang phải quay cuồng trong những câu hỏi lớn về lực lượng cho thấy vấn đề hiện đã nghiêm trọng tới mức nào.

Nói riêng về Tây Ban Nha. Thoạt nhìn, các nhà ĐKVĐ không chịu quá nhiều xáo trộn về lực lượng trước EURO, thể hiện ở chỗ danh sách đăng ký của họ cho giải này không có nhiều thay đổi so với khi họ đăng quang chức VĐTG ở Nam Phi 2 năm trước. Tuy nhiên, vấn đề là tất cả những người phải ngồi nhà đều là không thể thay thế ở vị trí của họ, và có đóng góp cực lớn trong thành công của đội. Là Puyol cho chất thép và sự máu lửa ở hàng thủ (còn cho những bàn thắng quan trọng, như bàn duy nhất vào lưới Đức ở bán kết World Cup 2010). Là Capdevila, hậu vệ trái ổn định nhất mà người TBN có được trong nhiều năm trở lại đây. Và đặc biệt là Villa, chân sút hàng đầu ở cả hai giải đấu lớn gần nhất mà Tây Ban Nha chiến thắng.

Mất Puyol và Villa là những tổn thất khó bù đắp nổi của Tây Ban Nha

Vấn đề của người Tây Ban Nha còn nằm ở nơi mà họ tự hào nhất: Trái tim hàng tiền vệ. Ở đó, "ông chủ" Xavi rõ ràng đã không còn ở đỉnh cao phong độ, kém hơn nhiều so với chính anh ở Nam Phi 2 năm trước, và kém xa một Xavi được bầu là xuất sắc nhất EURO 2008. Ngoài yếu tố tuổi tác (Xavi năm nay đã 32 tuổi), việc cầu thủ của Barca phải cày ải với mật độ quá dày đặc trong suốt nhiều năm qua cũng góp phần khiến anh bị "bào mòn", cả về thể lực lẫn sức sáng tạo. Với một Xavi "đều đều", TBN vẫn có thể làm chủ thế trận, nhưng họ rõ ràng cần nhiều hơn thế nếu muốn xuyên thủng những hàng thủ càng ngày càng được tổ chức chặt chẽ hơn, và quan trọng là hiểu lối chơi của TBN rõ hơn.

Cùng bảng B với Tây Ban Nha là Italia. Lẽ ra, khi nhà vô địch suy yếu, Azzurri phải xem đó là thời cơ để vụt lên. Tuy nhiên, ngay lúc này, đội bóng của Prandelli thậm chí còn phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề về tinh thần, do hậu quả của việc việc scandal bán độ mới bị phanh phui. Criscito đã bị loại để phục vụ công tác điều tra, nhưng bầu không khí của đội tuyển không vì thế mà "trong" hơn được, khi trong đội hình vẫn còn đó nhiều ngôi sao bị cảnh sát dán mác "cần theo dõi đặc biệt". Ngay cả đội trưởng Buffon cũng đang quay cuồng trong "nghi án" đã đổ tới 1,5 triệu euro vào cá cược. Áp lực xung quanh trại tập huấn của Italia lên cao tới mức HLV Prandelli phải tuyên bố đội bóng sẵn sàng rút lui khỏi EURO 2012 "nếu thấy điều đó là cần thiết".

Buffon đang trong diện nghi vấn

Khi có thêm một scandal được phanh phui ngay trước thềm giải đấu lớn nhất mùa Hè này, người ta nói rằng người Ý cần một cú đấm như thế này để phát huy hết sức mạnh, như khi họ vượt qua Calciopoli để đăng quang World Cup 2006. Song rõ ràng, đó chỉ là một cách mang nói mang tính tự an ủi. Ở Đức 6 năm trước, HLV Lippi có trong tay một đội hình mạnh, với nhiều ngôi sao đang đạt tới độ chín của sự nghiệp. Bây giờ, trong tay HLV Prandelli, ngoài những cựu thần đã già đi nhiều tuổi như Pirlo, Buffon, chỉ có những cầu thủ thường thường bậc trung. Chất lượng của Italia đi xuống tới mức cựu HLV của Fiorentina phải chờ một người bị đau tim như Cassano bình phục chấn thương để triệu tập, hay phải trao cơ hội cho "bad boy" Balotelli, kẻ mà ở các đời HLV khác không bao giờ có cơ hội góp mặt ở đội tuyển.

Trong kế hoạch dài hơi của người Đức, EURO 2012 là nơi họ "hái quả". Với một lứa cầu thủ tài năng đang đạt tới độ chín, lại quá hiểu nhau do được chơi bên cạnh nhau trong nhiềm năm liền, "Die Mannschaft" rõ ràng xứng đáng được xem là một trong những ứng viên số Một cho giải đấu. Tuy nhiên, một serie những "cú sốc" với Bayern Munich ở cuối mùa đã làm thay đổi tất cả. Thua Dortmund trong cuộc đua Bundesliga, thảm bại tiếp cũng trước Dortmund ở Cúp Đức, trước khi gục ngã trên chấm 11m trong trận Chung kết Champions League với Chelsea, "Hùm xám" từ chỗ đang sống trong giấc mơ ăn ba bỗng trở thành kẻ tay trắng. Dù Loew có dùng đến liệu pháp tâm lý nào, thì cũng rất khó để những thành viên Bayern, gồm Neuer, Badstuber, Lahm, Boateng, Schweinsteiger, Mueller, Toni và Gomez, rũ bỏ được mặc cảm của kẻ thất bại khi trở lại với đội tuyển.

Chờ đợi gì ở những con người này?

Nằm cùng bảng “tử thần” với Đức là Hà Lan và Bồ Đào Nha. Hai quốc gia này sản sinh rất nhiều tài năng cho bóng đá thế giới. Nhưng từ trước tới giờ, rất hiếm khi họ thành công ở các giải đấu lớn. Danh hiệu lớn gần nhất và cũng là duy nhất từ trước tới nay của Hà Lan là EURO 1988, còn Bồ Đào Nha thậm chí chưa từng vô địch World Cup hay EURO. Như Đức, cả hai sẽ bước vào giải đấu với những rào cản rất lớn về tâm lý. Ngoài ra, Hà Lan còn gặp rắc rối với sự dư thừa nhân sự trên hàng công; với đội tuyển khác, đó là một tín hiệu mừng, nhưng với Hà Lan, vốn đã có quá nhiều bài học đau thương liên quan tới phòng thay đồ, đó có thể là sự bắt đầu cho những đổ vỡ. Trong khi đó, BĐN lại vào giải trong những hoài nghi lớn về chiến thuật. Thậm chí, sau trận thua 1-3 trước Thổ Nhĩ Kỳ, người ta còn phải đặt câu hỏi "khủng hoảng hay không khủng hoảng" với họ.

Trong một dịp... hiếm hoi, người Anh không còn "bị" xem là ứng cử viên cho chức vô địch, và họ cũng không tự xem mình như thế. Không phải người Anh khiêm tốn hơn. Lý do thực sự là trong tình hình hiện tại, họ không thể, hay không dám, nghĩ xa hơn vòng bảng. Một HLV được bổ nhiệm vội vàng, lại bị đánh giá là không có khả năng làm việc ở những đội bóng giàu tham vọng. Một đội hình quặt quẹo vì chấn thương, đã mất Wilshere, Barry, Lampard và vừa mất thêm Cahill. Đó là chưa kể ngôi sao sáng nhất Rooney vắng mặt 2 trận đầu vòng bảng vì án treo giò. Có thể chờ đợi gì ở một đội bóng mà "nòng cốt" là Liverpool, CLB đã kết thúc mùa giải vừa rồi ở vị trí thứ 8, với danh hiệu duy nhất là Cúp Carling?


Khi các đại gia đều ngập trong những vấn đề, phải chăng, EURO 2012 sẽ là nơi tôn vinh một kẻ ngoài cuộc nào đó, như EURO 2004 đã tôn vinh Hy Lạp?
Khánh Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục