Thụy Điển giành vé vào thẳng EURO 2012 với tư cách đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Họ ghi tới 31 bàn trong 10 lượt trận vòng loại. Nhưng đó là một hành trình đầy sóng gió. Một chiến dịch mà khi nhớ lại, HLV Erik Hamren chắc không khỏi rùng mình với trận thua nặng nề 1-4 trên sân Hà Lan.
Vì còn thua thêm một trận 1-2 ở Hungari nên để tránh phải đấu vé vớt thì Thụy Điển buộc phải thắng Hà Lan ở trận lượt về trên sân nhà - và không có Zlatan Ibrahimovic (treo giò). May mắn thay, họ đã tìm được chiến thắng đó. Một chiến thắng 3-2 “vừa đủ”, dù đến đầu hiệp 2 vẫn còn bị Hà Lan dẫn trước 1-2.
Niềm hy vọng lớn nhất của đội tuyển Thụy Điển vẫn là tiền đạo Zlatan Ibrahimovic. |
Cả đất nước thở phào nhẹ nhõm. Bao giờ có vé mà chẳng mừng, nhưng ở đây thì họ càng mừng hơn bởi vì đội tuyển Thụy Điển đã trải qua bao thay đổi lớn. Hai trong số 3 ngôi sao lớn nhất của họ là Fredrik Ljungberg và Henrik Larsson đều đã giã từ bóng đá quốc tế. Xuất hiện một loạt cầu thủ ít kinh nghiệm hơn - hầu hết là từ đội U-21. Và tất nhiên, HLV trưởng Erik Hamren cũng là một người mới. Ông lên cầm quân sau khi Lars Lagerback từ chức do thất bại ở vòng loại World Cup 2010.
Công chúng xem sự thay đổi ấy là việc cần thiết. Lagerback quả đã có công đưa đội tuyển vào 5 giải đấu lớn liên tiếp, nhưng Lagerback cũng... cũ quá rồi. Hơn nữa, chiến thuật thi đấu với phương châm “an toàn là trên hết” của Lagerback cũng làm cho giới mộ điệu trong nước phát chán. Họ cần một bộ mặt khác, một lối chơi khác, tấn công nhiều hơn. Như Hamren vậy.
Có điều, Hamren khả dĩ thành công được đến đâu thì công chúng cũng lại... không dám chắc. Họ không mong chờ nhiều. Đặc biệt là do hàng phòng ngự tỏ ra yếu. Lão tướng Olof Mellberg vẫn là một hậu vệ đẳng cấp thế giới, nhưng cũng chỉ mỗi mình Mellberg có đẳng cấp thế giới. Khi Daniel Majstorovic bị chấn thương đầu gối hồi tháng 2, Hamren đã phải khẩn cấp tìm người đá cặp cho Mellberg. Tìm mãi cũng chỉ chọn được Jonas Olsson - một cầu thủ chưa có kinh nghiệm quốc tế và đang đá cho một CLB cũng chẳng nổi danh: West Brom (Anh).
Khu vực phòng thủ cánh trái cũng là cả một cơn đau đầu. Đá kém, cả Oscar Wendt lẫn Behrang Safari bị loại. Niềm tin được chuyển sang Martin Olsson. Để rồi khi thấy Olsson thi đấu thất thường ở Blackburn (bị xuống hạng ở Premier League), Hamren lại lật đật đưa Safari trở lại với vai trò... dự bị.
Còn cánh phải? Mikael Lustig không vắng một phút nào trong hành trình vòng loại. Nhưng khi Lustig chấn thương thì Hamren không tìm được ai thay thế xứng đáng.
Cho nên, chắc là chỉ còn cách lấy tấn công bù cho phòng ngự vậy. Và khâu tấn công thì sáng sủa hơn nhiều. Ở đó, có cầu thủ 20 tuổi John Guidetti (khoác áo Feyenoord mùa qua), có Johan Elmander rất thành công ở Galatasaray, có Ola Toivonen đang toả sáng với PSV Eindhoven.
Có cả Ibra nữa. Zlatan Ibrahimovic, một tiền đạo nổi tiếng khắp nơi. Một ngôi sao được một nửa Thụy Điển yêu mến, trong khi nửa còn lại luôn tìm thêm lý do mới để... ghét. Vì sao vậy? Vì một bộ phận cho rằng không Ibra thì tốt hơn, bởi anh ta “chỉ làm trì trệ” lối chơi của đội bóng. Ngược lại, một bộ phận khác sẽ chỉ ngay vào trận thắng Croatia 3-1 hồi tháng 2 để khẳng định Ibra quan trọng như thế nào. Đó là lúc Ibra ghi 1 bàn và kiến tạo 2 bàn còn lại.
Như vậy, tương lai của Thụy Điển ở EURO 2012 sẽ phụ thuộc một phần vào chuyện Ibra thi đấu “đáng yêu” hoặc “đáng ghét”? Có lẽ. Riêng Ibra thì đang tỏ ra “đáng yêu”. Cái ngày Ibra tuyên bố trở lại với đội tuyển, anh cho biết giữa anh và HLV Hamren có cùng một tinh thần quyết thắng và “Erik còn hứa với tôi một tấm huy chương EURO”. Cả phòng họp hôm ấy rộn lên tiếng cười...