Man City cần thanh lọc nhân sự: Đừng vội trách Pellegrini

17:38 Thứ hai 23/03/2015

Nếu Man City thật sự trắng tay sau mùa này, người phải giơ đầu chịu báng đầu tiên chắc chắn sẽ là Manuel Pellegrini. Nhưng kẻ phải ra đi chưa chắc đã mắc lỗi to nhất, đơn giản khi trong tay ông thầy người Chile có quá nhiều cái tên vô giá trị. Nếu cần quy trách nhiệm, đội ngũ tuyển trạch viên của The Citizens nên từ chức trước tiên.

Cái chết được báo trước

Khi nhậm chức tại Etihad, Pellegrini đã đề đạt nguyện vọng rất rõ ràng. Ông muốn một siêu sao hàng đầu, người đủ khả năng để nâng Man City lên tầm thế giới. Trong đội hình vỗn đã sẵn những Yaya Toure, David Silva, Sergio Aguero… Pellegrini liệu có quá tham lam? Tất nhiên việc mua ngôi sao không bao giờ là thừa, đặc biệt là khi độ tuổi trung bình của The Citizens thuộc loại lớn nhất Premier League. Chiến lược gia 61 tuổi đã lường trước điều đó và sự thật đã chứng minh, những năm tháng đỉnh cao đã được dàn cầu thủ hiện tại bỏ lại ở năm ngoái.

Từ 28/10/12, Man City đã bỏ ra hơn 172 triệu bảng để mua sắm. Vậy nhưng đội hình thường xuyên ra sân trong mùa này chỉ thay đổi có… 2 vị trí so với cách đây 4 năm. Đó là người đá cặp cùng Kompany ở hàng thủ và bạn đồng hành với Toure ở khu trung tuyến. Những gì diễn ra suốt 8 tháng qua đã chứng minh đây là 2 vị trí đáng lo ngại nhất tại Etihad. Pellegrini cần một cầu thủ hàng đầu, đội bóng chủ quản cho ông con số không tròn trĩnh.

Mùa hè 2013, Man City bỏ ra 35 triệu bảng đón Fernandinho về từ đông Âu. Danh thủ Glenn Hoddle sau khi quan sát chàng tiền vệ Brazil trong 2 năm đã rút ra một kết luận khá hài hước: “Bạn không thể nói Fernandinho giỏi hơn Ryan Mason. Họ cùng làm một việc và điểm khác nhau duy nhất chỉ là giá trị chuyển nhượng”. Có thể Hoddle hơi đề cao sao trẻ của Spurs nhưng chắc chắn Fernandinho không xứng với số tiền khổng lồ mà Man City đã bỏ ra. Đấy chỉ là một trong vô số những thương vụ “trời ơi đất hỡi” mà nửa xanh thành Manchester đã ném tiền qua cửa sổ, bao gồm Javi Garcia, Matija Nastasic, Jack Rodwell, Scott Sinclair, Alvaro Negredo, Stevan Jovetic…

HLV Pellegrini đang chịu áp lực từ thượng tầng của Man City. Ảnh Internet

Sai lầm từ bên trên

Đến mùa này, câu chuyện tương tự lại diễn ra khi Mangala, Fernando, Zuculini, Sagna lần lượt được đưa về. Màn trình diễn của những cầu thủ này đến đâu thì ai cũng rõ. Chỉ có điều Man City có thể mua về những “món hàng” chất lượng thấp, nhưng chắc chắn giá thành phải… cao. Người đứng đằng sau những thương vụ thiếu khôn ngoan này là một nhân vật tiếng tăm, GĐTT Txiki Begiristain. Trong 3 năm làm việc tại Manchester, người đàn ông quyền lực này đã trực tiếp chỉ huy 56 thương vụ, bao gồm 37 hợp đồng mua đứt, 17 cho mượn cùng 2 lần giải phóng. Đáng nói, trong cùng thời điểm này, City hoàn toàn có thể chiêu mộ những Luis Suarez, Gareth Bale, Diego Costa, Cesc Fabregas hay Nemanja Matic mà vẫn còn dư 90-100 triệu bảng. Những quyết định cuối cùng của Begiristain thực sự có vấn đề.

Hãy nhìn sang người tiền nhiệm, Brian Marwood, cái tên ít tiếng tăm hơn nhiều. Trong giai đoạn từ 8/2008 – 8/2011, những chứ ký của ông đặt nền tảng cho Man City của ngày nay với Kompany, Zabaleta, Silva, Toure, Aguero, Milner và Nasri. Luôn tồn tại may rủi trong mọi thương vụ mua sắm, tuy nhiên tỷ lệ thành công của Begiristain không tương xứng với danh tiếng của ông.

Tuy nhiên, đấy không phải là cái tên duy nhất có lỗi. GĐĐH Ferran Soriano là người quyết định lối chơi của City chứ không phải là các HLV. Trong danh sách ưu tiên của ông, phong cách đẹp mắt đứng trước các chiến thắng. Các HLV được đưa về với bộ khung và lối chơi đã định hình vô cùng khó thích nghi trong môi trường Premier League. Các lớp cầu thủ chồng chéo lên tầng tư duy của những HLV khác nhau, được kết nối bằng các mối hàn lỏng lẻo từ tiền bạc và lương thương, đấy là những gì đang diễn ra tại Etihad dưới thời Soriano. Bỏ ngoài tai những yêu cầu từ băng ghế huấn luyện, chính các chiến lược gia mới là người cần kêu cứu tại thành Manchester.

- Begiristain làm việc trong vai trò tương tự tại Barca trong giai đoạn 2003-2010. Nếu nhìn vào những gì ông đã làm được tại Etihad, thật khó hình dung cựu cầu thủ của Sociedad là người đứng sau những thương vụ như Ronaldinho, Samuel Eto'o, Deco, Rafael Marquez, Thierry Henry, Dani Alves và Gerard Pique. Vậy nhưng để có được những bản hợp đồng chất lượng như vậy, Barca cũng đã mua hớ không ít với Alex Hleb, Maxi Lopez, Keirrison, Henrique, Dimitry Chyrginskiy hay Ricardo Quaresma.

- Để đạt được thành công, Man City cần… chi thêm nữa. Đây là những gì được chính Soriano và Begiristain đề đạt với các ông chủ của sân Etihad. Theo kế hoạch dự kiến, 200 triệu bảng sẽ được The Citizens đổ tiếp vào thị trường mùa hè sắp tới. Nên nhớ, trong 7 năm “hoành hành” tại Nou Camp, bộ đôi này cũng đã tiêu tiền như nước với 400 triệu bảng được đổ vào việc “đi chợ”.

- Các chuyên gia hàng đầu của Telegraph đánh giá công tác đào tạo trẻ của Man City chỉ được 5/10 điểm. Với cơ sở vật chất được đầu tư toàn diện và chiêu mộ các chuyên gia hàng đầu (Patrick Vieira), Man City được cho là sẽ nối bước lò La Masia trong tương lai. Nhưng đi ngược với chủ trương tạo điều kiện cho “măng non”, Man City chủ yếu mua ngoại binh để bổ sung cho đội một. Từ 2012, chỉ 1 cầu thủ trẻ được đôn lên là Dedryck Boyata nhưng cái tên này cũng nhanh chóng biến mất với những đóng góp rất hạn chế.

- Man City đang đau đầu với những “yếu nhân” của mình. GĐĐH Soriano từng thừa nhận bê nguyên mô hình kinh doanh của M.U áp dụng vào Barca. Từ khi mức lương của toàn đội chiếm tới 88% doanh thu của CLB, Soriano biến Barca thành đội bóng giàu thứ 3 thế giới. Tại Etihad, người đàn ông 47 tuổi vẫn liên lạc với những đối tác cũ nhưng thành quả là rất hạn chế. Đơn cử như việc ông giúp City có được 12 triệu bảng/năm khi ký kết tài trợ áo đấu với Nike, trong khi M.U có được 75 triệu bảng/năm với Adidas.

Trang Hạ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục