Suarez: Ngôi sao cắn người “độc nhất vô nhị” (Kỳ 4)

18:54 Thứ ba 08/07/2014

Không ít người đang thắc mắc là tại sao Suarez hành động một cách hoang dại như vậy?

Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Strange Case of Dr Jekyll and Mr Hyde" của nhà văn Robert Louis Stevenson nói về bác sĩ Jekyll, một con người với hai tính cách. Một nửa con người của Jekyll là mặt tốt, một con người sống đạo đức và bình dị. Ở mặt kia lại là con người xấu xa, bị nguyền rủa.

Luis Suarez, cũng là một con người có tính cách kỳ lạ với những mảng màu đối lập về cuộc sống của anh. Đó là một tiền đạo đẳng cấp, một con người biết vươn lên từ nghèo khổ để hướng đến cuộc sống tươi đẹp. Nhưng ở nửa kia, Suarez là mẫu cầu thủ chơi thủ đoạn, và đặc biệt mắc căn bệnh thích “cắn người”.

Để giúp độc giả rõ hơn về cuộc đời, những tháng ngày gian khổ làm nên một Suarez hiện tại, chúng tôi sẽ gửi đến các bạn đọc loạt bài “Suarez: Ngôi sao cắn người “độc nhất vô nhị”.

Kỳ 4: Giải mã hiện tượng “Suarez cắn người”

Suarez có vấn đề về tâm lý?

Chứng kiến hành động cắn người liên tiếp của Luis Suarez 3 lần trong 4 năm, HLV Roberto Martinez của Everton cho rằng tiền đạo đang thuộc biên chế của Liverpool cần được giúp đỡ thay vì đưa ra án phạt đối với anh. Theo nhà cầm quân này, đây là một dạng bệnh tâm lý bởi việc cắn người tái lặp nhiều lần là hành động không bình thường.

Đồng quan điểm này, tờ Telegraph của Anh cho rằng việc cắn người tới 3 lần trong các trận đấu rõ ràng không còn là tai nạn ngẫu nhiên mà thuộc về một dạng bệnh lý. Tờ báo danh tiếng xứ Sương mù này cho biết trong vụ Suarez cắn Ivannovic năm ngoái, một bác sĩ tâm thần học đã bỏ công tìm hiểu và cho rằng hành động mất kiểm soát như vậy sẽ lặp lại trong vòng 5 năm. Vậy mà chỉ trong vòng một năm, Suarez đã tái phạm. Do đó, thay vì chỉ đưa ra án phạt cấm thi đấu, hãy để chân sút người Uruguay đi khám và chữa bệnh.
 
Suarez (áo trắng) đang mắc bệnh?

Tiết lộ mới đây được tiến sỹ tâm lý học Roberto Azevedo, người từng nghiên cứu về hành động cắn người của Suarez từ năm 2010 đưa ra những lý giải: “Nếu chỉ cắn người 1 lần thì có thể là do bột phát, nhưng hành động này lặp lại tới 3 lần là dấu hiệu của bệnh lý. Đó là biểu hiện tự nhiên của bản năng cắn”.

Ông nói tiếp: “Cắn vốn là một bản năng của con người mỗi khi nổi nóng. Nhưng khi lớn dần, theo ý thức, bản năng này dần mất đi, nhưng đôi khi cũng có những trường hợp ngoại lệ. Trong một số trường hợp, nếu bệnh nhân rời vào tình trạng ức chế thần kinh, hay bất lực khi không thực hiện được việc làm gì đó... bệnh cắn khả năng sẽ xảy ra”.

Phân tích 3 trường hợp cắn người của Suarez, có thể thấy tiền đạo này đang rơi vào tình trạng căng thẳng và ức chế.

Lần đầu tiên, anh cắn vào bả vai Ottman Bakkal khi bị anh này kèm rất sát và không có cơ hội tiếp cận bóng.

Đến lần thứ hai, Suarez cắn tay Branislav Ivanovic khi không thể thoát khỏi sự đeo bám của hậu vệ Chelsea.

Và lần gần nhất là trong cuộc chạm trán Uruguay - Italia, sự đeo bám quá chặt của Chiellini đã khiến Suarez mất bình tĩnh và lao vào tấn công một cách đầy hoang dại.

Tiết lộ được bà Sandra (mẹ Suarez) đưa ra thêm phần củng cố những lập luận của tiến sĩ Azevedo. Theo bà Sandra, ngay từ khi còn nhỏ (18 tháng tuổi), Suarez đã có dấu hiệu không bình thường. Mỗi khi tức giận, thay vì khóc ré lên như những đứa trẻ khác thì cậu nhóc Luis lại chọn cách cắn xé người, hoặc những đồ vật xung quanh.

Và dường như thói quen này đã ăn sâu vào bản năng của tiền đạo này. Mỗi khi anh tức giận, nếu không kìm nén được anh thường cắn trong vô thức. Pablo Alvarez, một đồng đội cũ tại CLB Nacional, nơi Suarez khởi nghiệp từng cho biết: “Tôi từng bị cậu ta cắn vào bả vai khi còn thi đấu cho đội trẻ Nacional. Mỗi khi bị ức chế điều gì đó, Luis thường phản ứng hơi thái quá, có thể là việc cắn đối phương”.

Nhìn về môi trường cho “mầm bệnh”

Suarez sẽ bị “cách ly” khỏi sân cỏ, theo đúng nghĩa đen của từ này. Hành động của anh bị xem như một thứ “mầm bệnh” đã được tích lũy từ lâu và gây ra những cơn bệnh cấp tính trong 4 năm qua.

Ở cả hai kỳ World Cup, Luis Suarez đều đóng vai “tội phạm”. Năm 2010, anh là “kẻ cướp” trong mắt người Ghana, là kẻ đã dùng tay ngăn chặn bàn thắng và ngăn Ghana trở thành đội châu Phi đầu tiên vào nhóm đệ tứ anh hào thế giới.

Suarez bị chỉ trích dữ dội trên toàn thế giới, nhưng với người Uruguay anh là anh hùng dân tộc. Sau này Asamoah Gyan, nạn nhân của Suarez còn thú nhận rằng “nếu là tôi, tôi cũng làm như anh ấy”. Tức là năm 2010 vẫn còn không ít người yêu mến Suarez, người cách đó không lâu đã cắn vào vai Otman Bakkal.
 
Tại Uruguay, Suarez vẫn luôn là người hùng

Ở kỳ World Cup này, Luis Suarez tiếp tục sắm vai “kẻ lập dị”. Nhưng khác với 4 năm trước, lần này hành động của anh không phải để giúp Uruguay cải thiện tình thế. Không thể trở thành anh hùng dân tộc bằng cách đi cắn người.


Trong cuộc trò chuyện cùng người viết bài này, BLV Vũ Quang Huy đã thẳng thắn: “Suarez không xứng đáng được tha thứ, bởi đây đã là lần thứ ba anh ta cắn người. Hơn nữa con người này không còn trẻ nữa. Suarez là một cầu thủ rất khó lường, thậm chí khó lường và quái gở hơn cả Balotelli.”

Hành động cắn người ít nhất 3 lần của Suarez là một điều cấm kị trong văn hóa của đa số các nước. Cầu thủ Bakkal của PSV đã phải nhờ bác sĩ tiêm gấp một liều kháng sinh để tránh nhiễm trùng sau khi bị cắn vào cổ. Từ thuở lọt lòng, trẻ nhỏ đã được đe nẹt không được cắn khi bú mẹ và khi lớn lên, chúng được cha mẹ dạy không được cắn bạn bè.

Vậy thì, một người đã 27 tuổi như Suarez vẫn ngang nhiên cắn người và ban đầu chối bay chối biến là một trường hợp kỳ lạ đến mức khó chấp nhận. Nhưng sự kỳ quặc ấy là có nguyên nhân, khi Suarez sinh ra ở Uruguay, một quốc gia nhỏ bé kẹp giữa 2 nước lớn nhưng không biết sợ, một đất nước có rất nhiều tội phạm từ châu Âu dạt sang. Bóng đá Uruguay đã nổi tiếng với tiểu xảo.

Thái độ của người Uruguay cho thấy họ không xem hành động của Suarez là bất thường. Khi hình ảnh, clip vụ cắn mới nhất đầy rẫy trên mạng, họ cho rằng đã có người dùng Photoshop để vu tội cho Suarez. Sau pha chơi bóng chuyền năm 2010, Suarez được nhà báo đồng hương Eduardo Galeano ca ngợi là “không tiếc hi sinh mình vì tập thể”. BLV Jorge Ramos thì nói rằng những người chửi rủa Suarez “không hiểu bóng đá” và là “những kẻ đạo đức giả”. Báo chí Uruguay bênh vực “Luisito”, chỉ trích truyền thông Anh và Ý. Ngay HLV Oscar Tabarez cũng tuyên bố “chúng tôi ủng hộ Suarez”.

Với dân số vỏn vẹn 3,5 triệu và nằm giữa Argentina (41 triệu dân), Brazil (200 triệu), Uruguay cần một tinh thần “fighting” máu lửa để giành được chiến thắng, tinh thần ấy được họ gọi là “la garra charrúa”. Các cầu thủ trẻ luôn được dạy rằng phải làm tất cả để thắng, phải tinh khôn hơn đối thủ. Và giữa một môi trường như thế, “mầm bệnh” kiểu như “Suarez cắn người” không phải là khó hiểu.

Nhiều người vẫn dành cho Suarez sự cảm thông

Bên cạnh những chỉ trích, Suarez vẫn nhận được sự cảm thông của nhiều người. Herman Pinkster - cựu thành viên trong BHL Ajax, người từng làm việc chung với Suarez một thời gian dài cho biết: “Đôi khi cậu ấy hành xử dựa vào bản năng. Đôi khi, cậu ấy hành động đáng sợ trên sân cỏ như chửi thề, ăn vạ, cắn... hay đủ các trò khác. Nhưng cậu ấy không hề có ý định làm hại ai, hay cố ý làm đối phương dính chấn thương. Cậu ấy chỉ muốn chiến thắng bằng mọi cách, kể cả những thủ đoạn khôn lỏi kiểu đường phố”.

Cùng quan điểm, huyền thoại bóng đá Diego Maradona đã lên tiếng bênh vực Suarez. Xuất hiện trên kênh truyền hình De Zurda TV, phát sóng từ thành phố Rio của Brazil, cựu danh thủ của ĐT Argentina đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Suarez khi mặc một chiếc cáo phông có dòng chữ "Luisito Estamos Con Vos" (tạm dịch là "Luis, chúng tôi ở bên bạn").

"Tại sao cậu ấy không thể làm điều đó? Ai bị giết? Đây là bóng đá, đó chỉ là một tình huống va chạm. Nếu coi đây là hành động man rợ, tại sao không gửi anh ta đến Guantanamo (nhà tù của Mỹ ở Cuba chuyên giam giữ các tù nhân chính trị được Mỹ xem là đặc biệt nguy hiểm)?".

Suarez đã sai, điều này ai cũng biết. Nhưng với nhiều người thì thay vì lên án chỉ trích anh như cách báo giới Anh, Hà Lan đã làm..., họ suy nghĩ theo một chiều hướng tích cực và đưa ra sự cảm thông đối với tiền đạo người Uruguay. Theo đó, cắn người, đây là một việc làm xấu, nhưng mức độ nguy hại không thể bằng những pha vào bóng đầy ác ý nhằm triệt hạ đối phương.

Nếu có thể, hãy coi việc làm của Suarez chỉ là hành động bản năng của một con người từng trải qua một tuổi thơ dữ dội. Một con người khát khao thi đấu cống hiến và hướng về chiến thắng...
Quốc Hưng – Nguyễn Đỉnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục