Ngựa ô World Cup: Nhật Bản - Cần một sự đột biến!

22:11 Thứ bảy 31/05/2014

Nhật Bản luôn tham dự World Cup với nhiều kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà, nhưng họ sẽ cần một sự đột biến để có thể thành công tại đấu trường bóng đá lớn nhất thế giới.

Trước khi World Cup 2010 chính thức khởi tranh, cựu cầu thủ Hidetoshi Nakata, một trong những tiền vệ Nhật Bản thành công nhất ở châu Âu đã có một cuộc phỏng vấn trước khi cùng ĐTQG nước này lên đường sang Nam Phi.

Trên sóng truyền hình, Nakata điềm đạm giải thích rằng trên một khía cạnh nào đó, các cầu thủ Nhật Bản cần phải “quên đi những gì họ đã được dạy từ nhỏ đến lớn về phép lịch sự và tinh thần đồng đội,” thay vào đó họ phải biết “ích kỷ và cá nhân” nhiều hơn. Cựu tiền vệ của Parma nhấn mạnh rằng trong bóng đá, đôi lúc các cầu thủ Nhật Bản cần đi ngược lại với những gì mà người dân nước này coi là truyền thống dân tộc.

Ivica Osim, một HLV rất nổi tiếng và được truyền thông Nhật đặt biệt danh “Cha đẻ của bóng đá hiện đại Nhật Bản.” “Ở Nhật, bạn phải hiểu phong cách và lối sống của họ,” ông nói.

“Bạn sẽ luôn phải hỏi ý kiến những người thượng cấp của bạn, bởi ông ta luôn biết nhiều hơn bạn. Nhưng vấn đề là hình như ở Nhật không bao giờ có ai chịu mạo hiểm hay phiêu lưu gì cả, trong khi những thứ đó là tối cần thiết cho bóng đá. Và các cầu thủ cũng kính nể HLV tới nỗi họ không muốn làm gì theo ý mình. Tôi có cảm giác như một vài cầu thủ có thể sẽ đột nhập vòng cấm, nhận bóng rồi quay lại hỏi tôi xem họ phải làm gì, nên chuyền hay nên sút? Điều quan trọng nhất đối với người Nhật là phải làm cho họ nghĩ bằng cái đầu của họ, không phải của ai khác.”

Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản đã có trong tay mộ thế hệ những cầu thủ được tiếp xúc với bóng đá châu Âu từ khá sớm như Keisuke Honda, Shinji Kagawa và Atsuto Uchida. Họ đã chơi bóng ở những nước có nền bóng đá phát triển, và điều đó có thể sẽ dẫn tới việc họ không còn giữ lối chơi truyền thống chỉ biết “học hỏi” những cầu thủ ở các nước khác – thứ bóng đá mà cựu HLV Philippe Troussier gọi là “dành cho những con robot.”

Điều đó có thể sẽ đúng, nhưng ở kỳ World Cup vừa qua, Nhật Bản chưa cho thấy một bộ mặt mới. Các cầu thủ chơi bóng rất kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt chiến thuật của HLV Takeshi Okada, nhưng dường như không ai dám mạo hiểm. Ở vòng bảng, Honda giúp họ thắng Cameroon 1-0, và dù sau đó họ thua Hà Lan, nhưng chiến thắng 3-1 trước Đan Mạch đã giúp họ lọt vào vòng 16 đội.

Tỷ số 3-1 có thể khiến người ta nghĩ đến một trận đấu mà Nhật Bản tấn công áp đảo và ghi bàn, nhưng thực chất lối chơi của họ vẫn vậy. Trong số 3 bàn thắng của Nhật, có tới 2 bàn là những cú đá phạt trực tiếp, còn bàn thứ 3 là một pha phản công nhanh. Tất cả đều là những bàn thắng đến từ các pha bóng mà họ đã luyện tập hàng ngàn lần.

Lối chơi dễ đoán biết của Nhật Bản đã khiến họ thất bại trong trận đấu vòng knock-out trước Paraguay – một đối thủ chỉ được đánh giá ngang tầm họ. Trước một Paraguay co cụm phòng thủ, Nhật kiểm soát bóng tới hơn 60% thời lượng trận đấu, nhưng chỉ tung ra được 2 cú sút trong 120 phút thi đấu. Paraguay giành chiến thắng trên chấm phạt đền.

Vậy liệu năm nay Nhật Bản có thể thay đổi truyền thống của họ, hướng đến một lối chơi đậm chất châu Âu? Đội hình Nhật khá đồng đều và gồm nhiều cầu thủ có kỹ thuật tốt như Honda, Shinji Kagawa, Hiroshi Kiyotake, Makoto Hasebe và Yasuhito Endo, nhưng những điểm yếu vẫn còn đó: họ không có một trung vệ hoặc tiền đạo có thể hình lý tưởng cho những pha tranh chấp bóng trên không. Đây có thể sẽ là điểm yếu chết người của họ khi phải đối mặt với các đội bóng có sở trường là những pha bóng cố định như Hy Lạp và cả Colombia.

Ở một bảng đấu có những đối thủ mạnh như Colombia, Bờ Biển Ngà và một đội bóng có khả năng phòng ngự - phản công rất tốt như Hy Lạp, Nhật Bản sẽ cần có một chiến thuật hợp lý và tinh thần thi đấu kiên cường và năng động để có thể lọt vào vòng 16 đội.

Tổng hợp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục