Vấn đề tuổi thật Công Phượng: Quá nhiều chuyện buồn

22:50 Thứ tư 19/11/2014

(TinTheThao.com.vn) - Công Phượng sinh năm mấy, bao nhiêu tuổi? Đó là câu hỏi nhức nhói trong suốt gần hai tuần qua. Quá nhiều luồng thông tin, quá nhiều cách tiếp cận và phản ứng về chuyện tuổi tác của Công Phượng. Và ở đây, người viết xin khoan đề cập đến việc kết quả như thế nào, có gian lận tuổi hay không? Người viết chỉ nhìn vào quá trình “đi tìm sự thật”, cũng như cách phản ứng của các cơ quan, người hâm mộ là đã thấy quá nhiều chuyện buồn rồi…

Chuyện đáng buồn đầu tiên là nói đến các cơ quan tư pháp, hộ tịch… đã khiến thông tin, lý lịch về một cá nhân (cụ thể là Công Phượng) được thể hiện một cách nhập nhằng. Ở đây, người viết đề cập đến yếu tố chuyên môn là chính, còn nếu thông tin bị sai lệch một cách có chủ ý thì những ai sai phạm (nếu có) sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, người ta bàn nhiều đến việc VTV24 có nên đăng tải những thông tin về Công Phượng như thế hay không, và với mục đích là gì…? Và trong số những ý kiến xung quanh việc trên thì chia ra hai nhóm chính: nhóm (1) đồng tình với VTV24 là phải đi tìm sự thật; nhóm (2) thì cho rằng Công Phượng bao nhiêu tuổi cũng được, miễn là đá hay, đá đẹp, cống hiến hết sức mình là được rồi…

Trong hai nhóm ý kiến trên, theo quan điểm của người viết thì ý kiến của nhóm (2) là không chính xác lắm, bởi lẽ “trung thực” là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu trong các phẩm chất của một con người trong cuộc sống nói chúng và bóng đá nói riêng. Không phải vì ai đó quá giỏi mà chúng ta lại bỏ qua những “sai sót” (nếu có) của họ. Dẫu biết rằng thực trạng khai man tuổi là khá phổ biến, không riêng gì một cầu thủ nào đó, nhưng nếu cần và phải xác minh thì sự thật luôn luôn và đáng được tôn trọng.

Còn với nhóm ý kiến thứ (1), theo người viết là đúng nhưng chưa đủ. Đi tìm sự thật là một điều nên làm, và đối với những người làm truyền thông thì việc cung cấp đến người tiếp nhận những thông tin thật chính xác thì điều đó rất đáng, rất đáng được tôn trọng. Tuy nhiên, giữa việc đi tìm sự thật và cách làm (thể hiện) sáng tỏ một sự thật lại là một chuyện khác.

Ở đây, cá nhân người viết cho rằng việc VTV24 cung cấp những thông tin nghi vấn về tuổi Công Phượng qua một chương trình lớn như vậy, dành nhiều thời lượng phát sóng từ ngày này qua ngày khác như vậy là không hợp lý. Ở đây, người viết xin nhấn mạnh là “những thông tin nghi vấn”, mà đã là nghi vấn thì cần phải xác minh, điều tra cho rõ. Đáng lý, những bằng chứng mà VTV24 thu thập được thì họ giao cho cơ quan chức năng điều tra, làm rõ rồi sau đó công bố thì đã tốt hơn rất nhiều.

Mục đích đi tìm sự thật, để đảm bảo tiêu chí “trung thực” trong thể thao là một mục đích rất chính đáng, nhưng có lẽ cách “thể hiện” VTV24 đã và đang làm là không thực sự hợp lý (nếu không nói là sai lầm). Nói là không hợp lý là bởi lẽ người xem, người tiếp cận đang nghĩ chương trình đi tìm sự thật của VTV24 phục vụ cho việc PR nhiều hơn… Đó là phản ánh chung của người xem, điều đó được thể hiện rất rõ thông qua cách người hâm mộ bình luận, ý kiến trên các báo mạng và diễn đàn xã hội.

Người viết chưa đề cập đến việc bằng chứng của VTV24 là thuyết phục hay không, chỉ biết rằng cái cách thể hiện của chương trình khiến người xem thấy có một cái gì đó “nặng nề” lắm… Chính cái “nặng nề” ấy khiến nhiều người bức xúc, và cũng từ những bức xúc của một bộ phận không nhỏ người hâm mộ thì chúng ta lại thấy một chuyện đáng buồn khác trong xã hội, đó là “văn hóa ứng xử”.

Nói nôm na, thường chúng ta yêu ai thì ra sức bảo vệ người yêu của mình; ghét ai thì soi mói, trù dập họ… Đó là một tâm lý bình thường thôi, nhưng từ tâm lý, suy nghĩ đến hành động lại là một chuyện khác. Yêu hay ghét gì cũng phải được thể hiện một cách chừng mực và có văn hóa…

Điều đáng nói ở đây (chuyện nghi vấn tuổi Công Phượng) là trên các báo mạng, các diễn đàn xã hội xuất hiện rất nhiều, rất nhiều bình luận khiếm nhã (nhiều lúc thô tục) đối với ai đó… trong khi sự thật chưa được làm sáng tỏ. Phản ứng của cộng đồng mạng nhạy lắm, nhạy đến mức có thể gọi là “liền và ngay lập tức”, đôi lúc nó trở thành một phong trào hẳn hoi, dù chưa chắc phản ứng ấy là đúng với sự thật, là phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực văn hóa.

Và nói đến chuyện đạo đức, văn hóa là không thể không kể đến “lương tâm, đạo đức nghề nghiệp” của những người làm báo. Giật tựa đề cho thật “hot”, nội dung thì trích không nguyên văn câu nói của người khác, hoặc chỉ trích dẫn một câu nói trong một đoạn đối thoại dài… rồi đưa lên báo, mà không đặt câu nói ấy vào hoàn cảnh cụ thể của người nói… Những thứ ấy dễ dàng khiến người đọc tiếp cận, suy nghĩ sai về một ai đó, từ đó mà sự nghiệp, danh tiếng của một người có thể chôn vùi hoặc bị hủy hoại bởi những bài báo không có lương tâm đó.

Câu chuyện tuổi thật của Công Phượng rồi sẽ có hồi kết, nhưng trong thời gian này nếu chúng ta bình tâm nhìn lại những gì đã và đang diễn ra thì thấy rằng có quá nhiều chuyện buồn. Từ bóng đá đến cuộc sống, có những căn bệnh thâm niên vô cùng khó chữa… Ở đây chúng ta cần phải có những người quản lý có thực tài và làm việc tâm huyết… để chữa những căn bệnh ấy. Một điều quan trọng nữa đó là ý thức của mỗi người, ở đây người viết chỉ nêu ra một vài điều đáng ngẫm là: Hãy làm việc bằng tất cả sức mình, làm bằng cái tâm; đừng vội phán xét ai và đừng khen, chê một cách quá đà, nhiều lúc thái quá đến lố bịch…

Ngọc Đức | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục