Đội nào giá trị nhất tại Champions League 2012/13?

11:12 Chủ nhật 02/09/2012

Giá trị (theo tiền bạc) của một đội bóng dựa trên giá trị của mỗi cầu thủ cùng thành tích của tập thể. Khi mà danh hiệu chưa thể xác định vào đầu mùa giải, thì giá trị của đội bóng cũng có nghĩa là giá trị của tổng số cầu thủ của đội bóng ấy.

Thước đo giá trị cầu thủ hay suy rộng ra là giá trị của cả một đội bóng hiệu quả nhất chính là dựa vào bảng thành tích các danh hiệu tập thể mà mỗi cầu thủ cùng đội bóng ấy giành được trong một mùa giải. Đặc biệt với các CLB tại châu Âu thì Champions League chính là danh hiệu danh giá nhất và có sức nặng nhất cho công tác “đo lường” này. Song, sẽ phải đến tận cuối tháng 5 năm 2013 thì chủ nhân của chiếc cúp bạc mới được xác định. Vì lẽ đó, ở thời điểm mở đầu mùa giải hiện tại, không thể dùng “công cụ” này để đánh giá. Thay vào đó, giá trị chuyển nhượng của mỗi cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng là “chiếc cân” khả dĩ nhất.

Barca là đội giá trị nhất tại Champions League - Ảnh Internet

32 đội bóng góp mặt tại Champions League 2012/13 có giá trị tổng cộng dựa trên giá trị thị trường của từng cầu thủ trong mỗi đội bóng là 6 tỷ 578 triệu euro. Châu Âu vẫn là thị trường bóng đá số 1 thế giới.

Theo một kết quả nghiên cứu (gồm thu thập, thống kê và phân tích) của cổng thông tin “Transfermarkt” của Đức thì trong 32 đội bóng này, FC Barcelona chính là CLB có giá trị cao nhất. Cụ thể, nếu xem Champions League là một thị trường chứng khoán, thì Barca được định giá cao nhất, với tổng giá trị là 663,5 triệu euro. Theo sau là Real Madrid với 583,8 triệu; Man City với 470,75 triệu; MU với 449 triệu và đương kim vô địch Chelsea với 420 triệu. Đây cũng chính là Top 5 CLB “mắc” nhất châu Âu.

Đứng bét bảng của “thị trường chứng khoán” Champions League mùa giải này là CLB Nordsjaelland của Đan Mạch với chỉ 15,05 triệu euro. Chelsea, đội bóng nằm cùng bảng với Nordsjaelland, chỉ với một mình Eden Hazard (40 triệu euro) thôi cũng đã vượt qua giá trị của những BATE Borisov (18,1 triệu euro) hay Cluj (32,28 triệu euro). Ở đây, việc phân hạng “đắt – rẻ” không dựa vào ngân sách chi tiêu cho công tác mua sắm của mỗi CLB mà dựa trên giá trị thực tế của mỗi cầu thủ thuộc từng đội bóng tại thị trường chuyển nhượng mùa hè 2012 vừa qua.

Cũng từ giá trị cụ thể của một đội bóng mà bảng G của Barca (cùng Celtic, Benfica và Spartak Moskva) là bảng đấu có giá trị thứ 2 trong 8 bảng của Champions League 2012/13, với tổng giá là 1 tỷ 0 trăm 38,5 triệu Euro. Bảng đấu đắt giá nhất dĩ nhiên là bảng tử thần của Real, Man City, Dortmund và Ajax với giá 1 tỷ 351,95 triệu euro.

Trong khi đó, bảng đấu “nghèo” nhất là bảng C của Milan, Malaga, Zenit và Anderlecht. Nguyên nhân dễ hiểu vì Milan giờ đã không còn những Thiago Silva, Ibra, Gattuso, Cassano, Van Bommel hay Seedorf. Trong khi Malaga cũng đã bán đi Cazorla hay Rondon. Một khi những cầu thủ cao giá nhất không còn hiện diện thì giá trị chung của toàn đội sẽ giảm theo.

Cũng cần lưu ý rằng, cho dù một cầu thủ không được chuyển nhượng (mua đi – bán lại) trong mùa hè 2012 vừa qua thì anh ta vẫn được định một mức giá cụ thể trên trường chuyển nhượng. Tỷ như trường hợp của Messi hay C.Ronaldo, cả hai mặc dù vẫn không rời CLB chủ quản của mình (là Barca và Real) nhưng đây vẫn là hai cầu thủ có giá trị nhất châu Âu vì đã được định giá sẵn từ trước.

Một điểm đáng chú ý nữa của cuộc nghiên cứu chính là “khoảng cách giàu nghèo” giữa các đội bóng đại diện cho mỗi quốc gia tại Champions League 2012/13. Nếu như ở Anh, khoảng cách giữa Man City (đội giàu nhất) với Arsenal (đội nghèo nhất) là không đáng kể (470,75 triệu euro so với 295,25 triệu euro) hay ở Ý giữa Juventus với Milan (tương đương là 314,5 triệu euro với 220,65 triệu euro), thì ở TBN, với 4 đại diện, chênh lệch là cực kỳ lớn (Barca – 663,5 triệu euro hay Real – 583,8 triệu euro so với Valencia – 191,5 triệu euro và Malaga – 88,8 triệu euro).

Cuối cùng, kết quả nghiên cứu này không bao gồm giá trị của các cầu thủ trẻ thuộc hệ thống đào tạo của mỗi CLB. Từ đây cũng thấy được phần nào chính sách nhân sự của nhiều CLB. Như với trường hợp của PSG hay Man City, đây đều là những đội bóng được tiếp sức bởi nền tảng kinh tế khổng lồ từ các ông chủ người Ả Rập và họ “nhồi” một lượng lớn tiền bạc vào thị trường chuyển nhượng.
Cự Giải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục