World Cup 1938 là giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 3 được tổ chức. Sau Uruguay 1930, Italy 1934, giải đấu kỳ này diễn ra tại nước Pháp. Việc một quốc gia châu Âu được chọn đăng cai đã làm mất lòng nhiều quốc gia, vì họ cho rằng kỳ World Cup năm này đáng ra phải được tổ chức tại Nam Mỹ sau khi 4 năm trước, một quốc gia ở Lục địa già khác là Ý đã giành quyền đăng cai. Argentina và Uruguay phản đối bằng cách không thèm tham dự vòng loại. Lý do Argentina bỏ cuộc là để trả đũa sau khi họ không được quyền đăng cai giải đấu. Còn Uruguay vẫn hậm hực vì hầu hết các đội bóng lớn của châu Âu đã không đến dự vòng chung kết World Cup 1930 đầu tiên mà họ đăng cai, nên cũng lặng lẽ rút lui.
Năm 1938, thế giới đứng bên bờ vực chiến tranh. Cả châu Âu nơm nớp trước gót giày của quân phát xít Đức. Lò lửa chiến tranh đang hầm hập khắp nơi. Đây là kỳ World Cup cuối cùng trước khi Thế Chiến thứ 2 bùng nổ. Sau giải đấu này, ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới phải đợi tới 12 năm sau mới được nối lại ở Brazil - một trong những địa điểm hiếm hoi không phải chịu những hậu quả khốc liệt của cuộc chiến.
World Cup 1938 là một giải đấu hết sức kỳ lạ. Cuba góp mặt ở vòng chung kết, lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng đến tận bây giờ. Khi cả 6 đối thủ của họ ở Bắc, Trung và Nam Mỹ đều lần lượt rút tên. Đội tuyển Áo dù vượt qua vòng loại nhưng vẫn không thể góp mặt, vì nước này đã bị Đức quốc xã xâm lược. FIFA đành nhờ đội Anh thế chỗ. Thế nhưng thật trớ trêu, họ tiếp tục từ chối! Bên phía bán đảo Iberia, cuộc nội chiến Tây Ban Nha bùng phát, khiến đội tuyển nước này ngậm ngùi chung số phận với Áo. Từ những lý do trên, số lượng đội tuyển tham dự giảm xuống chỉ còn 15 đội.
Vòng chung kết bóng đá thế giới 1938 là sự kiện thể thao quốc tế lớn cuối cùng trước khi chiến tranh trực tiếp nổ ra một năm sau đó. Paris vẫn bình yên thơ mộng ngay trong đêm trước của một cuộc chiến tàn khốc nhất lịch sử. Những năm cuối thập niên 30, khi bưu chính vẫn là phương tiện liên lạc duy nhất, các cầu thủ cũng như HLV đón nhận sự động viên từ thân nhân qua những cánh thư. Các cầu thủ Ý dạo chơi và tận hưởng bầu không khí hòa bình hiếm hoi ngay tại ‘kinh đô ánh sáng’ bên bờ vực cuộc chiến. Họ đến Pháp với tham vọng vô địch.
Năm 1938, Indonesia vẫn là thuộc địa của Hà Lan với tên gọi Đông Ấn. Trước chiến tranh thế giới thứ 2, Đông Ấn Hà Lan phát triển mạnh nhờ đất đai trù phú. Nơi đây sản xuất ra hầu hết nguồn Canh-ki-na và hồ tiêu của thế giới, hơn 1/3 sản lượng cao su, 1/4 sản lượng dừa, và 1/5 nguồn cung cấp trà, đường, cà phê, dầu cọ cho toàn cầu. Dù kinh tế rất phát triển, nhưng trình độ thể thao nói chung, bóng đá nói riêng của Đông Ấn Hà Lan chẳng là gì so với mặt bằng chung của cả thế giới. Nó chủ yếu chỉ là thú tiêu khiển hay giải trí đơn thuần của người da trắng Hà Lan. Và tất nhiên, cơ hội để họ lọt vào VCK một kỳ World Cup là con số 0.