Ở giải U21 Quốc Tế năm nay, đội U21 Thái Lan được cho là cử sang đội hình khá mạnh với tham vọng vô địch. Bên cạnh đó, đội tuyển chọn U21 Báo Thanh niên Việt Nam cũng không hề xoàng xĩnh, bởi phần đông trong đội hình là các cầu thủ của HAGL vừa vô địch giải U21 Quốc gia. Những lý do đó khiến trận cầu Thái Lan - Việt Nam lại càng được chú ý, người hâm mộ mong chờ trận thư hùng này để xem bóng đá trẻ của Việt Nam đã tiến bộ hơn chưa, và liệu có thể bằng hoặc vượt người Thái trong nhiều năm tới hay không?
Tuy nhiên, sau trận đấu thì câu trả lời lại gây thất vọng cho nhiều người. Đừng chỉ nhìn vào thế trận có phần trội hơn, nhiều cơ hội hơn và bóng chạm xà ngang, cột dọc nhiều hơn mà cho rằng U21 Việt Nam đã thể hiện tốt trước người Thái, e rằng sự thật có phần ngược lại.
Có lẽ, trong một trận đấu ở giải trẻ, không nên bàn quá nhiều về chiến thuật, lối chơi, mà điều quan trọng nhất vẫn là các cầu thủ thể hiện như thế nào. U21 Thái Lan là đội khách, mới sang Việt Nam nên tất nhiên sẽ có “độ trễ” nhất định trong việc vào guồng thi đấu, cũng như chưa thể làm quen với điều kiện sân bãi, ... nhưng các cầu thủ vẫn bản lĩnh và cực kỳ tự tin khi xung trận.
Dù là lúc tràn lên tấn công hay lui về phòng ngự, cái hay của họ là dường như cầu thủ luôn tin vào những pha xử lý của mình. Một ví dụ nhỏ, trong điều kiện bị ép sân, nhưng U21 Thái Lan vẫn bình tĩnh dùng bẫy việt vị rất nhiều lần đã chứng tỏ bản lĩnh của họ lớn như thế nào.
Còn các cầu thủ Việt Nam thì sao? Họ có thể đá bóng rất bài bản, hiểu ý nhau, có ý tưởng với bóng rất tốt. Nhưng, những tình huống xử lý lại không được thanh thoát. Đây là những cầu thủ được đào tạo từ nhỏ, dĩ nhiên họ có thể làm tốt hơn như thế, nhưng cuối cùng lại không thể, điều đó cho thấy có thể họ thiếu tự tin vào bản thân, cũng như có chút gì đó áp lực, nặng nề trong tâm lý, khiến cho đôi chân không thể hiện như ý.
Đối với việc đào tạo trẻ, tạo ra một lứa cầu thủ có thể lực, có kỹ thuật, có tư duy đã là rất khó, nhưng tạo ra những con người đầy bản lĩnh và tự tin còn khó hơn nữa. Qua nhiều năm đứng trên đỉnh Đông Nam Á, người Thái cũng đã tạo ra những cầu thủ như vậy. Không phải lúc nào họ cũng có được những thế hệ cầu thủ tài năng, chẳng hạn như đội hình đi SEA Games vừa rồi còn bị chê bai khá nhiều, nhưng họ vẫn có thể vô địch, bởi những cầu thủ tự tin như thế.
Bóng đá Việt đã liên tiếp thất bại những năm gần đây, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các cầu thủ. Cộng với “truyền thống” thắng thì tung hô, thua thì vùi dập càng khiến cho sự tự tin nơi các cầu thủ dần mất đi. Cho nên, nếu phải so sánh với bóng đá Thái, thì có lẽ khoảng cách giữa hai nền bóng đã vẫn còn xa, khi giờ đây chúng ta mới bắt đầu chú tâm nhiều đến kỹ chiến thuật, tư duy cho cầu thủ thì họ đã rèn đến bản lĩnh nhà vô địch cho lứa trẻ của họ mất rồi.
Đây quả thực là một sự thật không dễ nuốt trôi, nhưng cũng là cần thiết để những người có trách nhiệm với bóng đá nước nhà buộc phải tìm kiếm những giải pháp, nếu không muốn bóng đá Việt Nam tụt hậu so với khu vực.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam