Điểm qua có kình ngư Joseph Schooling, hai VĐV điền kinh Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền, nữ VĐV wushu Dương Thúy Vi,... Ngoài ra, SEA Games 29 còn chứng kiến sự vượt trội của chị em nhà Quah, biệt danh "những kẻ săn huy chương".
SEA Games 29 của Ánh Viên
Không quá lời khi nói SEA Games 29 được "thiết kế" riêng cho kình ngư quân đội. Kết thúc giải, cô gái 20 tuổi người Cần Thơ giành 8 HCV, 2 HCB và phá 3 kỷ lục của đại hội (200 m tự do, 100 m bơi ngửa, 200 m bơi ngửa). Phong độ chói sáng của Ánh Viên thậm chí khiến nhiều trang báo nước ngoài như Daily Mail, The Sun Daily hay Swim Swam phải chú ý.
Schooling, gã khổng lồ bơi lội Đông Nam Á
Góp mặt ở 6 nội dung, Joseph Schooling toàn thắng tất cả. Ở các cự ly cá nhân sở trường gồm 50 m bướm, 100 m bướm và 100 m tự do, tay bơi 22 tuổi không có đối thủ. Tại giải Vô địch bơi lội thế giới 2017, Schooling thi đấu không tốt, nhưng anh sớm bừng tỉnh tại đấu trường Đông Nam Á.
Lê Tú Chinh xứng danh "nữ hoàng tốc độ"
Truyền thông khu vực đã gọi Lê Tú Chinh là "nữ hoàng tốc độ", biệt hiệu mỹ miều mô tả cho tài năng của nữ VĐV điền kinh này. Tại SEA Games 29, Tú Chinh xuất sắc chiến thắng ở hai nội dung quan trọng gồm 100 m và 200 m. Sau đó, cô cùng các đồng đội chiến thắng tiếp ở cự ly 4x100 m. Từ thành công ở SEA Games 29, đây sẽ là điểm tựa nâng bước cho cô gái trẻ 20 tuổi tiến xa hơn.
SEA Games không còn phù hợp với Nguyễn Thị Huyền
Xuất sắc bảo vệ huy chương vàng ở ba nội dung 400 m, 400 m vượt rào và 4x400 m tiếp sức, đấu trường SEA Games dường như không còn phù hợp với Nguyễn Thị Huyền. Tương lai còn rộng mở phía trước, nữ VĐV 24 tuổi rất được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm nhiều chiến tích vang dội nữa.
Dương Thúy Vi ba lần giải cơn khát vàng cho thể thao Việt Nam
Sau SEA Games 2013 và ASIAD 2014, Dương Thúy Vi một lần nữa trở thành người giải “cơn khát vàng” cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 2017 với tấm HCV wushu nội dung kiếm thuật nữ. Sau đó, nữ VĐV có ngoại hình xinh xắn tiếp tục mang về thêm cho đoàn thể thao Việt Nam tấm HCV nội dung thương thuật nữ.
Bơi lội Singapore không chỉ có Schooling
Nhiều quốc gia sẽ rất ghen tị với Singapore khi biết đội tuyển bơi nước này sở hữu rất nhiều tài năng. Ngoài Schooling, chị em nhà họ Quah, gồm Quah Zheng Wen, Quah Ting Wen và Quah Jing Wen cũng rất nổi tiếng, họ được mệnh danh "kẻ săn huy chương". Tại SEA Games 29, nam kình ngư Quah Zheng Wen giành 6 HCV, cô chị Quah Ting Wen bỏ túi 4 HCV, trong khi Quah Jing Wen cũng giành 5 HCV (gồm cá nhân và tiếp sức đồng đội).
Lê Thanh Tùng khẳng định đẳng cấp
Đến với SEA Games 29, Thanh Tùng phát huy phong độ chói sáng và mang về 3 tấm HCV cho thể dục dụng cụ Việt Nam ở các nội dung: đồng đội, nhảy chống và xà đơn. Nhưng thành công nào cũng phải có giá của nó. Để có được chiến tích rạng ngời như hôm nay, Thanh Tùng đã chịu rất nhiều chấn thương, có lần phải nhập viện. Tuy nhiên, nghị lực mạnh mẽ đã giúp anh vượt qua tất cả.
Fatehah Mustapa, nữ cua-rơ tài năng của Malaysia
Với 3 HCV nội dung đua xe trong nhà, nữ VĐV Fatehah Mustapa xứng đáng là một trong những gương mặt tiêu biểu của Malaysia tại SEA Games 29. Cái tên Fatehah Mustapa cũng không hề xa lạ với bộ môn đua xe đạp trong nhà, cô từng giành HCB ở ASIAD Incheon 2014 và rất nhiều giải thưởng cao quý khác.
Feng Tianwei lập hat-trick HCV bóng bàn
SEA Games 29 chứng kiến thành công rực rỡ của nữ VĐV bóng bàn Feng Tianwei. Cô giành 3 HCV ở các nội dung đơn nữ, đôi nữ và đồng đội nữ. Lúc này, tổng số HCV ở các kỳ SEA Games của Feng Tianwei đã được nâng lên con số 8.